Hệ thống cửa hàng đổi rác lấy thực phẩm là ý tưởng xuất phát từ một công ty trên địa bàn phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội). Những gian hàng đặc biệt xuất hiện tại nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô thu hút sự chú ý của không ít người dân.
Được biết, chương trình “Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch” đã được triển khai trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt khi khu vực phường Văn Miếu bị phong tỏa.
Những gian hàng này được dựng lên đã góp phần hỗ trợ bà con trong mùa dịch và lan toả thông điệp bảo vệ môi trường tới tất cả mọi người.
Từ 6h sáng, cửa hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm đã bày đủ các loại rau, củ, quả, nông sản tươi xanh…
Tất cả người dân khi mang phế liệu đến đây sẽ được quy đổi thành tiền, cửa hàng sẽ trả bằng sản phẩm nông sản.
Từ khi chương trình này xuất hiện, người dân trên địa bàn quận Đống Đa đã có thói quen gom góp phế liệu để đưa tới các gian hàng đổi lấy thực phẩm mang về. Việc có thể đổi rác phế liệu lấy thực phẩm là điều mà họ chưa từng nghĩ tới trước đây.
“Tôi thấy mô hình này rất tốt. Từ ngày có chương trình này, tôi biết gom góp phê liệu để mang đi đổi và tôi cũng có nói với người nhà, hàng xóm mình nếu có rác thải nhựa, vỏ lon… có thể gom lại để đổi lấy thực phẩm”, chị Vũ Bích Hằng (phường Văn Chương, Đống Đa) chia sẻ.
“Hôm nay tôi mang chảo cũ đến đây và đổi được mấy quả cà tím. Tôi thấy đây là hoạt động rất là hay để cho nhân dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống”, bà Nguyễn Thị Thuận, phường Văn Miếu cho biết.
“Tôi làm văn phòng ở gần đây, thế nên hôm nay tôi ra đây đổi ít giấy loại và nhận về 2 chai nước. Tôi thấy chương trình này rất là ý nghĩa, khi những đồ dùng không dùng nữa, có thể đổi được những đồ ăn uống thiết thực và góp phần nhỏ bảo vệ môi trường”, chị Ngọ Thị Lan Anh, huyện Gia Lâm chia sẻ.
Ngoài ra, nếu không có phế liệu để đổi, người dân vẫn được mua nông sản tại gian hàng theo bảng giá niêm yết công khai.
Bảng giá quy đổi phế liệu được công khai tới người dân.
Về nguồn thực phẩm để trao đổi với người dân tại cửa hàng, theo anh Đỗ Bá Tú, Quản lý chuỗi các gian hàng ở quận Đống Đa cho biết: “chúng tôi cẩn trọng lựa chọn và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Tiêu chí thực phẩm phải là thực phẩm tươi sạch chất lượng cao tiêu chuẩn Vietgap, đã qua kiểm định, đảm bảo an toàn thực phẩm, không chất bảo quản, không thuốc trừ sâu, không thuốc tăng trưởng”.
Được biết, mỗi ngày gian hàng tại số 3 Văn Miếu thu đổi trung bình từ 200-250kg phế liệu. Công ty dự kiến thời gian tới sẽ triển khai thêm mô hình đổi phế liệu lấy sữa và đồ dùng học tập tại các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc./.